Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập huyện Bảo Lâm (11/7/1994 -11/7/2024)! Cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc quyết tâm xây dựng Bảo Lâm phát triển nhanh và bền vững!
Bảo Lâm khởi sắc trong vùng đồng bào DTTS  In trang
27/06/2024 08:39 SA

 

Chương trình đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một trong 05 chương trình trọng tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ huyện Bảo Lâm khóa VI, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Vì vậy, trong những năm qua, huyện Bảo Lâm đã huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, cơ sở hạ tầng đã được đầu tư xây dựng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.

Bộ mặt nông thôn mới tại xã Lộc Lâm đã thay đổi rõ nét
Bộ mặt nông thôn mới tại xã Lộc Lâm đã thay đổi rõ nét

    Huyện Bảo Lâm có diện tích tự nhiên 146.000 ha, dân số có 122.117 người, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số có 39.471 người, chiếm 32,32% dân số toàn huyện, với 27 dân tộc anh em cùng sinh sống, phân bố ở 13 xã, thị trấn. Phát huy truyền thống yêu nước đoàn kết cao quý của dân tộc Việt Nam, những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về đầu tư các chương trình, dự án phát triển KTXH trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện tốt các chính sách dân tộc nên đã đạt được kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Trong những năm qua, các chương trình, chính sách, dự án hỗ trợ đầu tư của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Bảo Lâm đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Theo đó, hằng năm huyện triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách vay vốn tín dụng từ ngân hành chính sách xã hội huyện; chất lượng tín dụng ngày càng không ngừng phát triển và ổn định; nguồn vốn phục vụ cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách ngày càng tăng, chất lượng tín dụng ngày một tốt hơn, chính sách tín dụng ưu đãi đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ DTTS, bộ phận dân cư có thu nhập thấp không đủ điều kiện vay vốn ở các Ngân hàng thương mại. Thông qua nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH đã tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao sức sản xuất hàng hóa, cải thiện đời sống, góp phần ổn định tình hình kinh tế, xã hội tại địa phương. Cùng với đó, huyện luôn quan tâm, chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn huyện, trong đó, đặc biệt quan tâm đến người đồng bào dân tộc thiểu số như thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách liên quan đến người có công với cách mạng, đối tượng Bảo trợ xã hội; Trẻ em, hộ nghèo, hộ cận nghèo là người DTTS gặp khó khăn trong cuộc sống. Công tác an sinh xã hội trên địa bàn huyện luôn được các cấp Ủy Đảng, chính quyền quan tâm, chỉ đạo thực hiện kịp thời, do vậy đời sống của người dân đồng bào DTTS từng bước được cải thiện, nâng cao. Quan tâm hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người dân từ các nguồn vốn; đặc biệt ưu tiên hỗ trợ cho các đối tượng là hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, hộ gia đình chính sách. Từ năm 2019 đến năm 2023 đã hỗ trợ nhà ở cho các hộ đồng bào DTTS trên địa bàn huyện là 333 căn, trong đó, 219 căn xây mới và sữa chữa 114 căn.

Các hộ ĐBDTTS  đã chú trọng đầu tư nuôi tằm lấy kén
Các hộ ĐBDTTS đã chú trọng đầu tư nuôi tằm lấy kén

Những năm qua, chính sách về chăm sóc sức khỏe vùng đồng bào DTTS được triển khai thực hiện đem lại hiệu quả cao, đến nay, tỷ lệ dân số vùng đồng bào dân tộc tham gia bảo hiểm Y tế đạt trên 97%; các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu được bảo hiểm y tế chi trả trên 98%; quản lý sức khoẻ người dân đạt trên 98%; tỷ lệ tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới 1tuổi đạt trên 95%; Cơ sở vật chất, trang thiết bị chăm sóc sức khỏe vùng đồng bào dân tộc được đầu tư nâng cấp và đạt các tiêu chí đề ra, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn toàn huyện. Công tác đào tào nghề, giải quyết việc làm cũng được chú trọng thực hiện nhằm ổn định đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân trong vùng đồng bào DTTS. Với mục tiêu đào tạo nghề phải gắn với giải quyết việc làm, ổn định đời sống người lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Kết quả trong thời gian 2019-2024 đã mở được 22 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 526 lao động, trong đó, có 440 lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ tham gia. Giải quyết việc làm cho 450 lao động, trong đó, lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số 150 người. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ về giáo dục, công tác đào tạo nguồn nhân lực, trong đó, việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ đồng bào dân tộc thiểu số luôn được xem là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; luôn quan tâm tạo điều kiện đưa đi đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ về mọi mặt đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác được giao.

Một trong những nét thay đổi rõ rệt nhất trong phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS ở Bảo Lâm đó là cơ sở hạ tầng điện thắp sáng, đường giao thông, cơ sở vật chất trường học, trạm y tế xã, nước sạch được đầu tư xây dựng khang trang, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thông đi lại, sản xuất và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương.

Các nghề truyền thống của đồng bao được gìn giữ và phát huy
Các nghề truyền thống của đồng bao được gìn giữ và phát huy

Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm đầu tư và mang lại hiệu quả rõ nét. Huyện tiếp tục giữ ổn định diện tích đất nông nghiệp hiện có trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời đã xác định hai loại cây trồng chính là cây chè, cây cà phê để tập trung đầu tư, hướng dẫn đồng bào phát triển kinh tế hộ gia đình. Nếu như trước đây, sản xuất nông nghiệp đạt năng suất và sản lượng thấp thì nay, bà con đồng bào DTTS đã biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản suất, đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi để nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích. Đến nay, nhân dân đã chuyển đổi, trồng tái canh được 1.291 ha cây cà phê, nâng diện tích cà phê đã được chuyển đổi giống tốt cho năng suất chất lượng cao trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số lên 2.974 ha, đạt 60% diện tích; năng suất bình quân từ 2,8 - 2,9 tấn/ha. Chuyển đổi sang giống chè chất lượng cao được 260 ha, nâng diện tích chè được chuyển đổi lên 712 ha, đạt 40% diện tích; năng suất bình quân từ 9-10 tấn chè búp tươi/ha. Một số mô hình sản xuất nông nghiệp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số mang lại hiệu quả kinh tế cao như: mô hình trồng xen các lại cây ăn trái như Bơ, sầu riêng tại xã Lộc Phú, Lộc Nam, Lộc Bảo, B’Lá đồng thời hỗ trợ khôi phục, phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm tại một số địa phương có truyền thống như Lộc Tân, Lộc Nam với diện tích 250 ha, sản lượng đạt 3.485 tấn. Chương trình tái cơ cấu nông nghiệp bền vững, hiện đại đạt kết quả bước đầu, chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm được hình thành. Nhiều mô hình sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao có hiệu quả tiếp tục được nhân rộng, giá trị sản xuất bình quân trên 01 ha đất canh tác đạt 145 triệu đồng/ha/năm.

Bên cạnh đó, công tác giao khoán bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Bảo Lâm hiện nay được thực hiện với nguồn kinh phí của Chương trình chi trả dịch vụ môi trường rừng gắn với công tác chăm lo phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, tổng diện tích hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng theo Chương trình chi trả DVMTR hiện nay trong toàn huyện là 68.022 ha, giao khoán cho 3.196 hộ dân và 02 tập thể được hưởng lợi. Tổng số tiền chi trả hiện nay trên 35 tỷ đồng/năm, qua đó, đã thu hút lao động tại chỗ vào tham gia nghề rừng từ 1.500 – 2.000 lao động/năm, thu nhập bình quân mỗi hộ được 8 - 10 triệu đồng/năm, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân.

Về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ trong những năm qua, huyện Bảo Lâm đã xác định khôi phục, mở rộng ngành nghề thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số là một nhiệm vụ quan trọng nhằm gìn giữ bản sắc dân tộc, tạo công ăn, việc làm và tăng thu nhập ổn định cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Hàng năm, mở các lớp đào tạo nghề nông thôn cho con em đồng bào dân tộc thiểu số như: dệt thổ cẩm, đan lát, may thêu và các mặt hàng thủ công mỹ nghệ…phát triển mạng lưới chợ nông thôn theo đề án của UBND tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số trong việc mua, bán các nhu yếu phẩm, các mặt hàng phục vụ sản xuất, đời sống.

Công tác đầu tư phát triển giáo dục vùng ĐBDTTS tiếp tục được quan tâm thực hiện thông qua các chính sách hỗ trợ đối với học sinh người người DTTS được triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng quy định. Cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư xây dựng, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp ở các điểm trường vùng sâu, vùng xa. Về lĩnh vực y tế công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân cũng được chú trọng; mạng lưới y tế cơ sở, cơ sở vật chất và đội ngũ y, bác sỹ về cơ bản đáp ứng được yêu cầu; thường xuyên củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới y tế thôn bản, 100% số xã có trạm y tế và có bác sỹ công tác thường xuyên, được trang bị các loại thiết bị y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

Lĩnh vực Về văn hóa – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều chuyển biến khởi sắc và đạt kết quả khá toàn diện trên các mặt. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai sâu rộng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và hội họp của nhân dân. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số luôn được quan tâm thực hiện. Những giá trị di sản văn hóa dân tộc đã được giữ gìn và phát huy, các hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang từng bước được xóa bỏ. Nhiều địa phương trong huyện đã phát huy tốt bản sắc văn hóa của các dân tộc, khôi phục và phát triển các làng nghề, ngành nghề truyền thống; khai thác, sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao. Hỗ trợ mua và sưu tầm nhạc cụ dân tộc như cồng chiêng, đàn tính, trang phục truyền thống của người đồng bào dân tộc Mạ, K’Ho, Tày, Nùng và Mông; đồng thời tổ chức các lớp truyền dạy đán tính hát then, dạy công chiêng cho đồng bào DTTS, tạo động lực cho nhân dân thay đổi đời sống văn hóa cộng đồng, xây dựng lối sống lành mạnh, văn minh, tiến bộ.

Các chính sách an sinh - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được đảm bảo. Huyện đã thực hiện đầy đủ, chu đáo các chính sách đối với người có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội. Quyền tự do tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc thiểu số được các ngành, các cấp quan tâm. Đồng bào các dân tộc thiểu số theo các tôn giáo đã phát huy phương châm “sống tốt đời, đẹp đạo”; đại đa số làm tốt nghĩa vụ công dân, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương.

Những năm qua, huyện Bảo Lâm đã thực hiện đồng bộ 03 Chương trình mục tiêu quốc gia nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn. Công tác giảm nghèo bền vững được tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp cùng với sự tập trung của cả hệ thống chính trị qua đó kết quả giảm nghèo trong giai đoạn đạt được mục tiêu tích cực hàng năm. Từ khi triển khai Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững từ năm 2022 - 2024 tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên toàn huyện đã có bước chuyển biến mạnh mẽ cụ thể: đầu năm 2022 toàn huyện có tổng số hộ nghèo là 932 hộ, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số 652 hộ. Hộ cận nghèo 1.788 hộ, trong đó hộ cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số 889 hộ. Năm 2024 toàn huyện có tổng số 672 hộ nghèo, trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số có 410.

Nhờ làm tốt phong trào thi đua, khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố, quần chúng nhân dân đã nêu cao tinh thần cảnh giác, đề phòng kẻ địch phá hoại, chống âm mưu “Diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch, âm mưu lợi dụng tôn giáo để chia rẽ, gây mất đoàn kết giữa các dân tộc và chia rẽ nhân dân với Đảng. Nhiều sự việc tranh chấp, mất đoàn kết đã được xử lý ngay từ cấp cơ sở. Đồng bào các dân tộc thiểu số trong huyện luôn đoàn kết một lòng, phát huy sức mạnh tổng hợp để giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Theo đồng chí Trương Hoài Minh, Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, để phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS của huyện trong thời gian tới, địa phương tiếp tục xây dựng quy hoạch phát triển toàn diện, bền vững vùng đồng bào DTTS; tập trung mọi các nguồn lực để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi, nước sạch, các thiết chế văn hóa cơ sở cho đồng bào DTTS; đầu tư phát triển văn hóa, giáo dục, y tế…Trong phát triển kinh tế tập trung nâng cao phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, phát triển các sản phẩm OCOP trong vùng đồng bào dân tộc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; tăng cường công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội đồng thời quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ người đồng bào DTTS đảm bảo cho công tác lãnh, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ; tập trung xây dựng Đảng bộ, Chính quyền đại phương các xã vùng đồng bào DTTS trong sạch, vững mạnh để cùng với nhân dân các dân tộc trong huyện cố gắng xây dựng quê hương Bảo Lâm ngày càng giàu đẹp, phồn vinh và hạnh phúc.

    Có thể nói, trong 5 năm qua cùng với sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước cộng với tinh thần đoàn kết, nổ lực vươn lên của Nhân dân các dân tộc trong huyện, đến nay, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Bảo Lâm đã chuyển biến rõ nét; cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng tích cực; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được hoàn thiện; đời sống vật chất, tinh thần nhân dân được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và bền vững. Các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc được bảo tồn, phát huy. Hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tăng cường và củng cố; Niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng, Nhà nước tiếp tục được củng cố vững chắc. qua đó góp phần đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và khối đại đoàn kết giữa các dân tộc trong huyện.

Quốc Tuấn

 

 

Lượt xem: 386
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 001545168
  •  Đang online: 47
  •  Trong tuần: 4.587
  •  Trong tháng: 74.431
  •  Trong năm: 976.636