Năm 2003, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết của Đoàn Chủ tịch Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư nên việc tổ chức thực hiện còn nhiều lúng túng. Chỉ hơn 50% số thôn, tổ dân phố tổ chức được “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” theo hướng dẫn của cấp trên, nhưng nội dung chưa phong phú, số hộ dân tham dự còn hạn chế; nhất là ở các xã, vùng dân tộc thiểu số như Lộc Bắc, Lộc Bảo, Lộc Lâm, Lộc Phú, Lộc Nam, Lộc Tân….
Đồng chí Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng tham dự ngày hội đại đoàn kết tại Bảo Lâm
Rút kinh nghiệm từ thực tiễn, những năm tiếp theo việc tổ chức đã dần đi vào nề nếp; nội dung phong phú; có đông đảo nhân dân tham dự. Từ năm 2020 đến nay, hàng năm có 100% khu dân cư tổ chức đầy đủ các nội dung của phần lễ. Có gần 77% khu dân cư tổ chức được phần hội với nội dung phong phú như: Thi đấu thể thao, biểu diễn văn nghệ, dân vũ, múa dưỡng sinh…; có gần 90% khu dân cư tổ chức được bữa cơm Đại đoàn kết. Từ đó tạo không khí vui tươi, sôi nổi, đoàn kết trên địa bàn dân cư.
Ông Bùi Hai, Trưởng Ban công tác Mặt trận Tổ 2, thị trấn Lộc Thắng cho biết: “Hàng năm, Tổ dân phố 2 chúng tôi đều tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Có phần hội như thi đấu thể thao, giao lưu văn nghệ... Phần lễ được tổ chức trang trọng, ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đồng thời Ban công tác Mặt trận báo cáo kết quả các phong trào thi đua yêu nước của Tổ dân phố và biểu dương khen thưởng nhiều cá nhân, gia đình văn hóa tiêu biểu. Trong 20 năm qua, Tổ dân phố 2 có 3 lần vinh dự được Mặt trận Tổ quốc huyện chọn làm điểm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc để các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện về tham dự chung vui với bà con. Chúng tôi khẳng định đây là 1 hoạt động thiết thực của Mặt trận cần tiếp tục phát huy”.
Mô hình sáng, xanh, sạch đẹp tại Lộc Ngãi
Tại thôn 12, xã Lộc Ngãi, có 212 hộ dân sinh sống, 95% nhân khẩu là người Tày, Nùng. Hầu hết bà con đều từ một số tỉnh phía Bắc vào Bảo Lâm sinh sống, lập nghiệp những năm 1990-1991. Nhờ cần cù lao động, đoàn kết giúp đỡ nhau, cuộc sống của bà con nay đã ổn định, số hộ khá, giàu tăng nhanh; từ năm 2017 thôn không còn hộ nghèo. Qua trao đổi bà Lục Thị Kim, Bí thư Chi bộ thôn 12, cho biết: “Chỉ trừ 2 năm bị dịch Covid- 19 không tổ chức được, còn năm nào Thôn 12 cũng tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với đầy đủ nội dung, có đông bà con tham dự, rất vui. Có năm dân đi đông không còn chỗ ngồi vì cái hội trường thôn còn nhỏ quá! Riêng phần hội, có năm thôn tổ chức cả ngày với các hoạt động, thể thao, văn nghệ phong phú. Hiện nay thôn 12 duy trì hoạt động thường xuyên 03 Câu lạc bộ. Đó là Câu lạc bộ văn hóa - văn nghệ dân gian của Chi hội phụ nữ; Câu lạc bộ Đàn tính-hát Then, Câu lạc bộ Dưỡng sinh-Dân vũ của Chi hội Người cao tuổi. Chi bộ, Ban thôn, Ban Công tác Mặt trận thôn 12 xác định tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc hàng năm là một nhiệm vụ quan trọng của thôn, nên vừa lãnh đạo vừa phối hợp để tổ chức đạt hiệu quả”.
Thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc huyện và các xã, thị trấn đã chú trọng công tác tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của việc tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; làm tốt công tác tham mưu để có sự lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đối với việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân trên địa bàn dân cư. Hàng năm, Thường trực Huyện ủy Bảo Lâm và Đảng ủy các xã, thị trấn đều có thông báo phân công các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, trong Ban Thường vụ, trong cấp ủy, Đại biểu HĐND các cấp ứng cử trên địa bàn về tham dự “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc”, cùng chung vui với bà con ở từng khu dân cư. Thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự đồng cảm, gắn bó giữa cấp trên với cơ sở, giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân. Đây cũng là dịp để Mặt trận cơ sở tổng kết các phong trào thi đua yêu nước trong nhân dân, mà trọng tâm là thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và thực hiện Đề án xây dựng “Khu dân cư tiêu biểu”, “Khu dân cư kiểu mẫu”.
Bà Hoàng Thị Thu, Chủ tịch Mặt trận xã Lộc Nam cho biết: “ Mặt trận Tổ quốc xã đã chú trọng công tác tham mưu, tuyên truyền về mục đích, yêu cầu, nội dung của việc tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” cho cấp ủy, chính quyền địa phương, các Chi bộ, Ban nhân dân thôn, nên việc tổ chức Ngày hội đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của cả hệ thống chính trị ở cơ sở. Hàng năm, 100% thôn tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc có đông đảo nhân dân tham gia, vừa ôn lại chặng đường lịch sử vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vừa tổng kết, phát động các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn xã. Lộc Nam đã có 03 thôn được công nhân khu dân cư kiểu mẫu; 04 thôn là Khu dân cư tiêu biểu. Năm nay xã phấn đấu 9/10 thôn đạt Khu dân cư tiêu biểu, trong đó có 4 thôn đạt Khu dân cư kiểu mẫu”.
Tổng hợp số liệu từ các báo cáo của MTTQ Bảo Lâm cho thấy, trong giai đoạn 2003-2023, Mặt trận và các đoàn thể huyện đã phối hợp với chính quyền và nhiều cơ quan chức năng, xây dựng, duy trì hoạt động hơn 50 loại mô hình, phong trào thi đua trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hôị, quốc phòng - an ninh gắn với xây dựng tổ chức Mặt trận, đoàn thể vững mạnh. Qua đó đóng góp hiệu quả vào Chương trình giảm nghèo bền vững, Chương trình đảm bảo an sinh xã hội và Chương trình “Chung tay xây dựng nông thôn mới” của huyện. Trong gần 20 năm qua, nhân dân trong huyện đã ủng hộ “Quỹ Đền ơn đáp nghĩa” hơn 3 tỷ đồng. Huyện đã xây tặng 136 căn “Nhà Tình nghĩa”, tổ chức được nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc những người có công với nước. Các cổ chức, cá nhân ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” huyện hơn 8,5 tỷ đồng. Mặt trận huyện tiếp nhận từ Quỹ “Vì người nghèo” của Trung ương, Tỉnh, và một số doanh nghiệp ủng hộ trực tiếp trên 14,5 tỷ đồng. Từ đó, huyện đã xây được 1.175 căn “Nhà đại đoàn kết” và sửa 128 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Các tổ chức và cá nhân trong và ngoài huyện đã tích cực tham gia chương trình an sinh xã hội của huyện, ủng hộ 100.855 phần quà, trị gía trên 35 tỷ đồng để tặng hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong dịp Lễ, Tết, và khi thiên tai, hoạn nạn. Trong giai đoạn từ 2008- 2023, thực hiện Chương trình “Chung tay xây dựng nông thôn mới”, nhân dân và nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài huyện đã đóng góp trên 114,5 tỷ đồng, hiến 432.656 m2 đất, trên 82.900 ngày công để xây dựng hạ tầng nông thôn. Qua đó đã góp phần quan trọng để tỷ lệ hộ nghèo của Bảo Lâm giảm còn 2,44% vào cuối năm 2022. Huyện có 13/13 xã được công nhận “Xã Đạt chuẩn Nông thôn mới”. Thị trấn Lộc Thắng được công nhận Đạt chuẩn “Văn minh đô thị”. Đến cuối năm 2022, huyện có 25/126 khu dân cư được công nhận “Khu dân cư kiểu mẫu”, đạt tỷ lệ 19,8%; 72/126 thôn, tổ dân phố được công nhận là “Khu dân cư tiêu biểu”, đạt tỷ lệ 57,1%. Trong 20 năm qua, đã có 879 lượt Khu dân cư, 3.264 lượt cá nhân, hộ gia đình được Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp khen thưởng. Và một điều điều quan trọng nhất là khối đại đoàn kết toàn dân trong huyện ngày càng được củng cố và phát huy, trên địa bàn không sảy ra những vụ việc nghiêm trọng, phức tạp về dân tộc, tôn giáo, về an ninh trật tự.
Tổng kết 20 năm (giai đoạn 2003-2023) thực hiện Nghị quyết 04/NQ/ĐCT-MTTW, ngày 01/8/2003 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam “Về tổ chức ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc”, bên cạnh những thành tích, những mặt tích cực, MTTQ Bảo Lâm và cơ sở cũng nhận thấy còn một số hạn chế, tồn tại. Và điều quan trọng là đã rút ra được những bài học kinh nghiệm thực tiễn, từ đó có giải pháp chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp để tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở Khu dân cư ngày càng thiết thực và hiệu quả hơn.
Để thực hiện Nghị quyết của Đoàn Chủ tịch Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân trong thời gian tới, ông Bùi Xuân Quý- UV BTV Huyện ủy- Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Bảo Lâm cho biết “ huyện tiếp tục tuyên truyền, phổ biến để cán bộ, nhân dân và cả hệ thống chính trị hiểu được vị trí, vai trò, tầm quan trọng của MTTQ Việt Nam, của sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.Làm tốt công tác tham mưu để cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm lãnh đạo,chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để MTTQ các cấp thực hiện tốt nhiệm vụ củng cố và phát huy sức mạnh khối Đại đoàn kết toàn dân tộc. Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia phát triển KT-XH-QPAN, trong xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh. Chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ để các khu dân cư tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” có nội dung phong phú, thiết thực, thu hút được đông đảo người dân tham gia....” .
Từ kết quả thực tiễn trong 20 năm qua, chúng ta tin tưởng rằng trong thời gian tới, khối đại đoàn kết toàn dân tộc của huyện Bảo Lâm không ngừng được củng cố và phát huy vai trò, sức mạnh của mình góp phần quan trọng để xây dựng quê hương Bảo Lâm phát triển toàn diện, bền vững.
Hồng Sơn