Sáng ngày 15/8, Hội LHPN huyện Bảo Lâm tổ chức Hội nghị tập huấn tuyên truyền chính sách pháp luật liên quan đến Chi trả dịch vụ môi trường rừng cho cán bộ, hội viên phụ nữ trong huyện. Dự hội nghị có đại diện Hội LHPN tỉnh cùng cán bộ, hội viên Hội LHPN của các xã, thị trấn trong huyện.
Các cán bộ hội tham gia tập huấn
Trong thời gian 1 ngày, các đại biểu được thông tin một số nội dung cơ bản của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; Hướng dẫn việc lập kế hoạch và báo cáo trong tuần tra bảo vệ rừng và sử dụng tiền chi trả DVMTR; Hướng dẫn quản lý, sử dụng tiền và vay vốn phát triển sinh kế từ tiền chi trả DVMTR; giải đáp các thắc mắc về chi trả dịch vụ môi trường rừng, mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng…Chi trả dịch vụ môi trường rừng là một chính sách đột phá tại Việt Nam kể từ khi được áp dụng rộng rãi trên toàn quốc từ năm 2011. Chi trả DVMTR là cơ chế tài chính trong đó các bên được hưởng lợi dịch vụ rừng có trách nhiệm chi trả cho các bên cung cấp DVMTR. Mục tiêu của chính sách này là giảm gánh nặng ngân sách nhà nước, đồng thời tạo ra nguồn tài chính ổn định nhằm bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả hơn.
Đại diện Hạt kiểm lâm huyện thông tin về chính sách dịch vụ môi trường rừng
Được biết, hiện nay, tổng diện tích hợp đồng giao khoán chi trả dịch vụ môi trường của toàn huyện Bảo Lâm là gần 63 ngàn ha, tổng số hộ dân được hưởng lợi trên 3.000 hộ và 02 tập thể. Việc chi trả dịch vụ môi trường rừng kịp thời cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần giúp các hộ gia đình nhận khoán quản lý bảo vệ rừng có mức thu nhập ổn định, nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững; đồng thời yên tâm gắn bó với rừng, quản lý tốt diện tích rừng được giao khoán bảo vệ. Qua đó từng bước nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, cải thiện sinh thái trên địa bàn.
Quốc Tuấn