Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025, với sự đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu, thể hiện quyết tâm cao của Đảng bộ và Nhân dân huyện Bảo Lâm đã đạt nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị.
Một góc của Thị trấn Lộc Thắng-trung tâm của huyện Bảo Lâm
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, các mặt kinh tế-xã hội tiếp tục có bước chuyển biến tích cực, tốc độ tăng trưởng bình quân giữa nhiệm kỳ đạt 9,13% vượt so với Nghị quyết Đại hội đề ra; dự kiến năm 2023 có 17/17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; thu ngân sách trong nửa nhiệm kỳ đạt 3.989 tỷ đồng, tăng 39% so với dự toán. Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được ổn định và nâng lên.
Trong nửa nhiệm kỳ, huyện Bảo Lâm đã có 11 sản phẩm đặc trưng đạt OCOP, trong đó có 4 sản phẩm đạt OCOP hạng 4 sao và 7 sản phẩm đạt hạng 3 sao; đồng thời, hình thành 16 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và 48 hợp tác xã sản xuất nông nghiệp hoạt động hiệu quả; Toàn huyện có 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó xã Lộc An đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tổng nguồn vốn đầu tư trực tiếp Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện là 40,72 tỷ đồng, đầu tư cho 107 công trình.
Xác định công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm, nhiệm vụ chính trị thường xuyên, liên tục của từng cấp ủy, chính quyền; người đứng đầu phải chịu trách nhiệm chính đối với các vụ việc phá rừng, cháy rừng thuộc phạm vi lĩnh vực, địa bàn mình quản lý, hoặc để xảy ra việc các tổ chức, cá nhân cấp dưới vi phạm các quy định pháp luật về lâm nghiệp. Thời gian qua, huyện Bảo Lâm được xác định là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác trồng rừng, trồng cây phân tán. Đến nay, Bảo Lâm đã trồng được hơn 1.303.000 cây xanh các loại. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ phục hồi tăng trưởng mạnh sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và đang có những đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của địa phương. Kim ngạch xuất khẩu trong nửa nhiệm kỳ ước đạt 772 triệu USD, đạt 51% kế hoạch cả nhiệm kỳ.
Bảo Lâm đưa vào vận hành, khai thác trung tâm điều hành thông minh
Chương trình giảm nghèo bền vững được triển khai thực hiện tuyên truyền, vận động, lồng ghép các chương trình, dự án, xây dựng các mô hình giảm nghèo; triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo theo quy định. Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 được chú trọng triển khai, huyện đã lồng ghép và triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh, thực hiện các chương trình, chính sách, dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện trên 54,2 tỷ đồng.
Nửa nhiệm kỳ qua, huyện Bảo Lâm cũng tạo dấu ấn mạnh mẽ trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Ban Thường vụ, Thường trực Huyện ủy luôn đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, lựa chọn những vấn đề trọng tâm, cốt lõi để triển khai, tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện các nhiệm vụ. Các cấp ủy đảng từ huyện đến cơ sở thường xuyên coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới nội dung, phương pháp công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Chú trọng đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh; thực hiện nghiêm công tác kiểm điểm tự phê bình và phê bình, đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức đảng và đảng viên. Thực hiện tốt công tác phát triển Đảng, tăng cường quản lý đảng viên, phân công công tác cho đảng viên, đào tạo bồi dưỡng nâng cao chất lượng đảng viên; trong nửa nhiệm kỳ đã kết nạp 237 đảng viên.
Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, huyện Bảo Lâm tiếp tục đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, tích cực thu hút đầu tư để phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao và phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ; xây dựng Thị trấn Lộc Thắng tiệm cận tiêu chí đô thị loại IV và xã Lộc An trở thành đô thị loại V; tăng cường công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững; quản lý chặt chẽ tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu; nâng cao chất lượng lĩnh vực văn hóa, xã hội; giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của chính quyền; phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; huy động các nguồn lực phấn đấu xây dựng huyện Bảo Lâm phát triển toàn diện, bền vững, trở thành đô thị vệ tinh của thành phố Bảo Lộc.
Kiều Ninh