Nhiệt liệt chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Bảo Lâm lần thứ IV năm 2024.
Phát huy hiệu quả tín dụng chính sách xã hội ở huyện Bảo Lâm In trang
02/07/2024 08:56 SA

Qua gần 10 năm thực hiện Chị thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (gọi tắt là Chỉ thị 40) “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, trên địa bàn huyện Bảo Lâm” hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã phát huy hiệu quả thiết thực trong cuộc sống. Với sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội được tăng cường, khơi thông, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi một cách thuận lợi và kịp thời để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo và từng bước vươn lên trong cuộc sống. Qua đó, đã góp phần tích cực trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.

Ngân hàng chính sách giải ngân vốn vay cho hộ nghèo
Ngân hàng chính sách giải ngân vốn vay cho hộ nghèo

Gia đình chị Lục Thị Hợp, tại thôn 5 xã BLá canh tác hơn 5 sào cà phê, do thiếu nguồn vốn đầu tư chăm sóc nên hàng năm, sau khi trừ đi các khoản chi phí, gia đình chị vẫn không dư dã là bao nhiêu. Do diện tích đất sản xuất ít nên sau khi tính toán và được Hội phụ nữ địa phương lựa chọn, định hướng chuyển đổi mô hình cộng với nguồn vốn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện, chị Hợp đã mạnh dạn đầu tư trồng dâu nuôi tằm. Từ việc mạnh dạn chuyển đổi mô hình, kinh tế gia đình chị đã có những thay đổi rõ nét và không còn nằm trong danh sách hộ nghèo. Chị Hợp chia sẻ với lãi suất vay thấp, thời gian vay kéo dài, phân kỳ trả nợ dần nên chị yên tâm sản xuất, làm ăn, tiền tích cóp cho con cái học hành, sửa nhà và mua sắm đồ dùng sinh hoạt.

Với chị Lục Thị Tiên sau khi từ Cao Bằng vào xã Blá huyện Bảo Lâm lập nghiệp, gia đình chị đã trồng cà phê và cây chè. Sau bao năm, do điều kiện thổ nhưỡng, năng suất thấp nên Chị Tiên mạnh dạn chuyển đổi mô hình. Chị Tiên cũng đã được Ngân hàng chính sách xã hội huyện xét duyệt cho vay vốn để mua nong né, xây dựng nhà nuôi tằm. Giờ đây, cuộc sống của gia đình chị cũng đã có nguồn thu nhập ổn định. Quá trình vay vốn làm ăn của gia đình chị luôn có sự đồng hành của các cấp tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương. Ban đầu, chị được giới thiệu, phổ biến về chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước, sau đó, tham gia Tổ tiết kiệm và vay vốn, tư vấn sử dụng vốn vay, được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi để sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đúng mục đích và đạt hiệu quả.

Là một trong những đơn vị nhận ủy thác quản lý nguồn vốn vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, trong những năm qua, Hội LHPN huyện Bảo Lâm đã không ngừng tích cực phối hợp với NHCSXH huyện để đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng chính sách. Bên cạnh công tác phối hợp giải ngân nguồn vốn đến các hội viên phụ nữ thì công tác kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác, đặc biệt là giám sát tổ viên trong quá trình sử dụng vốn vay cũng được cấp hội tích cực chủ động thực hiện, đảm bảo tổ viên sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, phát huy hiệu quả và chấp hành trả nợ, trả lãi đầy đủ cho nhà nước. Công tác vận động các tầng lớp hội viên, tổ viên vay vốn thực hiện gửi tiền gửi tiết kiệm cũng được quan tâm đẩy mạnh thực hiện.

Trong 10 năm qua, với việc triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể trên địa bàn huyện Bảo Lâm đã được nâng cao rõ rệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tín dụng chính sách xã hội cũng như hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi từ cấp ủy, chính quyền các cấp dành cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã được tuyên truyền, triển khai, thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.

Theo bà Trương Thị Lệ Phương, Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội huyện Bảo Lâm Chỉ thị số 40-CT/TW ra đời mang đến “luồng sinh khí mới”, thúc đẩy mạnh mẽ tư duy và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, tạo sự chủ động trong việc phối hợp triển khai có hiệu quả, đưa hoạt động tín dụng chính sách xã hội ngày càng tăng trưởng và phát triển bền vững cả về quy mô và chất lượng. Có thể thấy tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững của huyện. Đồng thời, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Với những quyết sách đồng bộ từ Trung ương đến địa phương đã giúp hoạt động tín dụng xã hội – chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho người nghèo ngày càng hiệu quả, lan tỏa sâu rộng, xứng đáng với sứ mệnh là một chính sách an sinh xã hội đặc biệt, tiếp sức cho người nghèo, các đối tượng chính sách trong hành trình vượt lên đói nghèo, để không ai bị bỏ lại phía sau. Kết quả trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, trên địa bàn huyện Bảo Lâm đã có 34.582 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn với tổng số tiền hơn 1.200 tỷ đồng, bình quân mỗi năm cho vay được 3.458 lượt hộ với số tiền cho vay bình quân mỗi năm là 121 tỷ đồng. Qua đó, tạo điều kiện cho 8.348 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo, 2.122 lượt học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, 2.326 lao động được tạo việc làm từ chương trình cho vay tạo việc làm duy trì và mở rộng việc làm, lao động được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, trong đó có 216 lao động là đối tượng bộ đội xuất ngũ trở về địa phương được vay vốn tạo việc làm, ổn định đời sống; đầu tư xây dựng 2.958 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay 744 hộ là người đồng bào DTTS để sản xuất, cải thiện sinh kế, cho vay 28 đối tượng là người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng…đã góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới nâng cao, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đảm bảo an sinh xã hội.

Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị đã giúp cho hoạt động tín dụng chính sách ngày càng được phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của NHCSXH trên địa bàn, chất lượng tín dụng ngày càng được củng cố, nâng cao. Đến nay, nguồn vốn của 13 chương trình tín dụng chính sách đang triển khai trên địa bàn huyện đạt hơn 660 tỷ đồng, với 13.890 khách hàng vay vốn của 237 tổ Tiết kiệm và vay vốn thuộc 04 hội đoàn thể nhận uỷ thác (Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh). Tăng hơn so với trước khi Chỉ thị 40-CT/TW ban hành là 302 tỷ đồng (tỷ lệ tăng trưởng 120,8%)

Hơn 20 năm triển khai tín dụng chính sách, đặc biệt, 10 năm triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW, vai trò vào công cuộc đồng hành cùng người dân của các cấp chính quyền và tổ chức chính trị - xã hội ở huyện Bảo Lâm càng thể hiện rõ. Thường trực Huyện ủy chỉ đạo các các cơ quan, đơn vị, cấp ủy đảng, chính quyền xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là hoạt động thường xuyên, tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội của địa phương. Qua đó, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã nhận thức rõ trách nhiệm đối với việc tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Thường xuyên bám sát nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW trong chỉ đạo triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội tại cơ sở, đưa nội dung này vào các thông báo kết luận, nghị quyết phiên họp thường kỳ, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, then chốt cần quan tâm triển khai thực hiện ở các cấp, các ngành để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn. Đặc biệt, hàng năm UBND huyện đã tập trung huy động các nguồn vốn ngân sách huyện chuyển sang NHCSXH để cho vay đáp ứng nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Uỷ ban MTTQ các cấp trong huyện tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, đồng thời phối hợp với Chi nhánh NHCSXH huyện trong công tác tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đảm bảo tất cả người dân có nhu cầu vay vốn, đủ điều kiện theo quy định phải được xem xét cho vay; phối hợp vận động các nguồn lực hỗ trợ người nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội.

Để nguồn vốn đến tay hộ nghèo và các đối tượng chính sách có hiệu quả; hàng năm, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bảo Lâm đã tham mưu triển khai thực hiện tốt việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách từ các nguồn vốn Trung ương, vốn ngân sách được giao và nguồn vốn thu hồi hàng năm gắn với việc “lồng ghép triển khai các mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững của địa phương”. Cùng với đó, Ban đại diện hội đồng quản trị NHCSXH huyện đã được củng cố kiện toàn, chất lượng hoạt động được nâng cao; làm tốt chức năng Quản trị hoạt động của NHCSXH, kịp thời ban hành các nghị quyết, chủ trương, chính sách, quy định, quy chế tổ chức và hoạt động của NHCSXH, giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.

Để tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW trong thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn nữa các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở phải xác định chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình, kế hoạch về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, hỗ trợ giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho lao động nông thôn... Tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội, nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội; điều tra, rà soát, bổ sung đối tượng đủ điều kiện vay vốn theo quy định tăng cường tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu dãi của Nhà nước, phối hợp, lồng ghép hoạt động tín dụng chính sách với chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân; phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, công tác khuyến nông, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho hộ nghèo và các dối tượng chính sách; phổ biến các mô hình vay vốn, các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả; các điển hình giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xà hội ở địa phương.

Có thể nói, Vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi trên địa bàn, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, được làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng, do đó, đã từng bước thay đổi cơ bản nhận thức, giúp hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo. Qua đó, đã tích cực góp phần thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu quốc gia, công tác an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới và góp phần ổn định tình hình chính trị - xã hội tại địa phương.

Quốc Tuấn

Lượt xem: 87
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 000912380
  •  Đang online: 42
  •  Trong tuần: 5.371
  •  Trong tháng: 5.371
  •  Trong năm: 343.848