Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập huyện Bảo Lâm (11/7/1994 -11/7/2024)! Cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc quyết tâm xây dựng Bảo Lâm phát triển nhanh và bền vững!
Đồng bộ hạ tầng kinh tế, xã hội: Mở ra cánh cửa hiện đại hóa địa phương In trang
19/12/2024 09:09 SA

Xác định kết cấu hạ tầng phát triển là điều kiện quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Trong thời gian qua, huyện Bảo Lâm đã tập trung mọi nguồn lực, đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Từ đó mở ra cánh cửa hiện đại hoá để Bảo Lâm vươn mình trong kỷ nguyên mới.

Diện mạo huyện Bảo Lâm khang trang sau 30 năm
Diện mạo huyện Bảo Lâm khang trang sau 30 năm

Huyện Bảo Lâm có diện tích tự nhiên 146.351 ha với hơn 1.587 km đường bộ. Xác định phát triển hạ tầng giao thông là một trong những yếu tố then chốt thúc đẩy liên kết vùng, mở ra không gian phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong những năm qua, Bảo Lâm đã tận dụng nhiều nguồn lực, từ nguồn vốn ngân sách trung ương, địa phương, huy động xã hội hóa trong dân và các doanh nghiệp… để từng bước phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.

Thảm nhựa Công trình vòng xoay Ngã 5 Thị trấn Lộc Thắng
Thảm nhựa Công trình vòng xoay Ngã 5 Thị trấn Lộc Thắng

 Trong giai đoạn 2021-2025, huyện đã triển khai thực hiện 67 công trình giao thông có tổng chiều dài 95km, kinh phí đầu tư xây dựng 837,4 tỷ đồng. Đến nay tỷ lệ nhựa hóa, cứng hóa đường giao thông trên địa bàn huyện đạt 87,4%. Toàn huyện có 54/79 cầu, cống được xây dựng kiên cố. Thực hiện chủ trương của Chính phủ về xây dựng nông thôn mới, trong 14 năm qua, huyện Bảo Lâm đã chung tay vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, đồng bộ, hiệu quả để tập trung phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, với phương châm là xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc. Chính vì vậy, sau 14 năm tổ chức triển khai xây dựng nông thôn mới đã thổi “làn gió mới”, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, các thiết chế văn hóa nông thôn dần được hoàn thiện, đời sống văn hoá tinh thần, vật chất của người dân ngày một no đủ và đi lên. Qua 14 năm, tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới đạt khoảng 10.251 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước: 2.052 tỷ đồng, vốn vay tín dụng 5.814 tỷ đồng, vốn huy động từ các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã 147 tỷ đồng và vốn người dân đóng góp 2.238 tỷ đồng. Từ nguồn lực của Nhà nước và Nhân dân đã xây dựng mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại không chỉ phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân mà còn là “đòn bẩy” quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Đường Lạc Long Quân (Thị trấn Lộc Thắng) được nâng cấp mở rộng
Đường Lạc Long Quân (Thị trấn Lộc Thắng) được nâng cấp mở rộng

Việc đầu tư và đưa vào sử dụng các tuyến giao thông quan trọng đã tạo điều kiện thuận lợi để huyện phát triển kinh tế và thu hút đầu tư vào địa bàn, khai thác tiềm năng về phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ. Đến nay, trên địa bàn huyện có 1 cụm công nghiệp Lộc Thắng với diện tích 32,29 ha. Các hạng mục hạ tầng cơ bản đã hoàn thành như: giao thông nội bộ, lưới điện hạ thế, hệ thống thoát nước. Hiện có 7 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, tỷ lệ lấp đầy đạt 61%. Bên cạnh đó, đã hình thành các điểm lẻ công nghiệp tập trung các nhà máy, cơ sở sản xuất, chế biến nông sản gắn với vùng nguyên liệu như chế biến trà, cà phê tại xã Lộc Quảng, xã Lộc Tân; khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng, gạch, bê tông,… tại thị trấn Lộc Thắng, góp phần tạo việc làm cho người dân, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp địa phương.

Điểm nhấn trong việc đầu tư hạ tầng, phát triển kinh tế trên địa bàn huyện Bảo Lâm đó chính là Dự án Tổ hợp Bô xít - Nhôm Lâm Đồng. Được thành lập và đi vào hoạt động vào ngày 01/10/2010 với công suất thiết kế 650.000 tấn alumin/năm. Trải qua 14 năm vận hành, sản xuất thương mại với sự phấn đấu không ngừng nghỉ tập thể cán bộ, công nhân viên Công ty Nhôm Lâm Đồng đã từng bước làm chủ công nghệ trong dây chuyền vận hành sản xuất của Dự án nâng công suất hoạt động lên hơn 750.000 tấn alumin/năm. Luỹ kế đến nay Dự án đã sản xuất được hơn 7,3 triệu tấn alumin quy đổi, nộp ngân sách khoảng 5.435 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 1.300 lao động với thu nhập hàng tháng hiện nay đạt trên 16 triệu đồng/người. Từ đó, giúp cho đời sống của người dân xung quanh khu vực ngày một nâng cao nhờ có việc làm ổn định. Bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty Nhôm Lâm Đồng còn tích cực hưởng ứng các hoạt động an sinh xã hội, chăm lo đời sống những gia đình chính sách, đồng bào nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Bảo Lâm. Tiếp nối thành công từ việc khai thác, chế biến bauxit trên địa bàn huyện Bảo Lâm, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam có chủ trương sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng nhà máy luyện Nhôm trên địa bàn huyện. Đây sẽ là “cú huých” lớn để Bảo Lâm tiếp tục bứt phá trong phát triển kinh tế từ công nghiệp.

Dự án Tổ hợp Bô xít - Nhôm Lâm Đồng đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế địa phương
Dự án Tổ hợp Bô xít - Nhôm Lâm Đồng đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế địa phương

Với địa hình đồi núi, có độ dốc cao và hệ thống sông, suối lớn là những yếu tố thuận lợi cho việc phát triển thủy điện. Từ nhiều năm nay, huyện Bảo Lâm đã thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực để xây dựng các nhà máy thuỷ điện. Tính đến nay, trên địa bàn huyện có 13 công trình thủy điện, trong đó có 3 thủy điện lớn là: Đồng Nai 3, Đồng Nai 4 và Đồng Nai 5 có sản lượng điện hàng năm đạt khoảng 2.400 triệu KWh. Bên cạnh đó các thuỷ điện vừa và nhỏ như: Đasiat, Đamb’ri, Đamboil, Đa Kai, Đại Nga có sản lượng điện hàng năm đạt 560,97 triệu KWh. Tiềm năng thuỷ điện Bảo Lâm đã được khai thác tối đa, không chỉ tạo ra nguồn điện năng, đem lại giá trị kinh tế mà phát triển thủy điện sẽ phát triển thêm các ngành nghề mới như du lịch sinh thái, nuôi trồng thủy sản trên các lòng hồ của thủy điện. Có thể nói thủy điện là lợi thế lớn của huyện Bảo Lâm, xây dựng thủy điện đi đôi với bảo vệ môi trường sẽ tạo cơ hội để huyện Bảo Lâm thực hiện các mục tiêu giảm nghèo, nâng cao đời sống mọi mặt cho đồng bào các dân tộc, góp phần tạo bước đột phá, thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển bền vững.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, việc phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, dịch vụ luôn được huyện Bảo Lâm quan tâm, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia. Đến nay toàn huyện có 4 chợ tại Thị trấn Lộc Thắng và các xã: Lộc An, Lộc Thành, Lộc Quảng hoạt động ổn định, hiệu quả. Cùng với đó là gần 5.000 cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ trải khắp các xã, thị trấn góp phần quan trọng trong việc bình ổn giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ Nhân dân.

Công nhân làm việc tại Công ty con đường tơ lụa Đông Phương (Cụm Công nghiệp Lộc Thắng)
Công nhân làm việc tại Công ty con đường tơ lụa Đông Phương (Cụm Công nghiệp Lộc Thắng)

Cùng với việc phát triển hạ tầng kinh tế, huyện Bảo Lâm luôn chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng văn hóa - xã hội, nhiều công trình trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, thông tin – truyền thông được đầu tư xây dựng, góp phần đáp ứng và ngày càng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, bảo đảm an sinh xã hội. Nếu như năm 1994 toàn huyện chỉ có 22 trường học cùng sự thiếu thốn về trang thiết bị, cơ sở vật chất. Thì sau 30 năm, tổng số trường học trên địa bàn huyện được nâng lên 63 trường, trong đó có 58 trường học đạt chuẩn quốc gia. Về hạ tầng y tế, trên địa bàn huyện có 1 trung tâm y tế huyện, 2 phòng khám đa khoa khu vực và 14 trạm y tế được đầu tư xây mới, sửa chữa, nâng cấp. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được đầu tư phù hợp đã góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân. Bảo Lâm cũng đã huy động nguồn lực đầu tư hoàn thiện, đổi mới thiết chế văn hóa, thể thao phù hợp điều kiện sinh hoạt. Đến nay, trên địa bàn huyện có một Trung tâm Văn hóa-Thông tin-Thể thao với diện tích 5,7 ha gồm nhà thi đấu đa năng, sân bóng đá…Cùng với đó là 13 nhà văn hoá xã, 115 nhà văn hoá thôn, tổ dân phố. Qua đó, tạo môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, rèn luyện thể thao của nhân dân và góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Bảo Lâm có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch
Bảo Lâm có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch

Ngoài ra, huyện Bảo Lâm cũng đã tăng cường đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật như cấp nước, điện lực và viễn thông…góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, bảo đảm an sinh xã hội. 

Ông Trương Hoài Minh – Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm cho biết: Với lợi thế còn nhiều dư địa để đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển kinh tế, Bảo Lâm luôn nỗ lực cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, cạnh tranh để thu hút các nhà đầu tư, huy động mọi nguồn lực cho phát triển. Huyện đã quy hoạch, bố trí các khu vực đất dịch vụ thương mại trong các đồ án quy hoạch làm cơ sở để phát triển hạ tầng thương mại; ưu tiên phát triển hệ thống nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại phục vụ cho du lịch...Trong thời gian tới, huyện Bảo Lâm sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại gắn với phát triển công nghiệp - dịch vụ - du lịch. Tập trung chỉ đạo các ngành có liên quan thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng, triển khai thực hiện dự án, công trình. Đặc biệt là việc khởi công xây dựng Dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương trong thời gian tới.

Có thể nói 30 năm qua, huyện Bảo Lâm đã có những bước tiến dài trong đồng bộ hạ tầng kinh tế, xã hội. Nếu như trong giai đoạn đầu thành lập huyện, cơ sở hạ tầng còn nhiều thiếu thốn thì giờ đây, diện mạo Bảo Lâm đã hoàn toàn khởi sắc nhờ đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng. Nhiều dự án đầu tư, nhiều công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng đã góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đô thị hóa trên địa bàn huyện. Từ đó tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển, đưa Bảo Lâm cất cánh, xứng đáng là 1 trong 4 địa bàn kinh tế trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng.

Lượt xem: 67
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 001592181
  •  Đang online: 204
  •  Trong tuần: 6.029
  •  Trong tháng: 62.649
  •  Trong năm: 62.649