Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập huyện Bảo Lâm (11/7/1994 -11/7/2024)! Cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc quyết tâm xây dựng Bảo Lâm phát triển nhanh và bền vững!
VỐN TÍN DỤNG CHÍNH SÁCH GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI In trang
01/04/2024 04:47 CH
Những năm qua, Ngân hàng chính sách xã hội huyện Bảo Lâm đã tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống, qua đó góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện.

Gia đình anh K’Thiện tại thôn Hang Ka xã Lộc Bảo  đang chăm sóc vườn sâu riêng của gia đình
Gia đình anh K’Thiện tại thôn Hang Ka xã Lộc Bảo đang chăm sóc vườn sâu riêng của gia đình


Gia đình anh K’Thiện tại thôn Hang Ka, xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm là một trong những hộ đã thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay tín dụng của Ngân hàng chính sách xã hội huyện. Đến nay, gia đình anh đã có của ăn, của để, cho các con học hành đầy đủ. Trao đổi với chúng tôi anh K’Thiện cho biết: năm 2019 anh được vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi hỗ trợ giải quyết việc làm của Ngân hàng chính sách xã hội huyện, gia đình anh đã mạnh dạn chuyển đổi 1 ha diện tích cà phê cằn cỏi, năng suất, chất lượng thấp sang trồng cây Sầu riêng giống mới. Sau 3 năm trồng và chăm sóc đến nay cây sầu riêng đã cho thu hoạch. Niên vụ vừa qua gia đình anh thu được 7 tấn quả với giá bán trên thị trường 50 ngàn đồng/kg, gia đình thu về trên 300 triệu đồng. Khi kinh tế gia đình ngày càng phát triển gia đình anh tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất. Anh K’Thiện cho biết thêm: “ Trước đây không có nguồn vốn ngân hàng chính sách gia đình gặp rất nhiều khó khăn, nhờ nguồn vốn đến nay gia đình đầu tư vườn tược, kinh tế phát triển đi lên. Sử dụng đồng vốn có hiệu quả và trả lãi đúng kỳ hạn nên vừa qua gia đình được vay thêm 100 triệu từ ngân hàng chính sách huyện để mở rộng quy mô sản xuất”.

Chị Lê Thị Xuyền, thôn Đông La 2, xã Lộc Đức  bên mô hình nuôi nhím
Chị Lê Thị Xuyền, thôn Đông La 2, xã Lộc Đức bên mô hình nuôi nhím


Cũng như anh K’Thiện, đối với chị Lê Thị Xuyền, thôn Đông La 2, xã Lộc Đức thì nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã thực sự trở thành đòn bẩy giúp gia đình có điều kiện phát triển kinh tế. Là hộ nghèo của xã, khi được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, chị Xuyền đã đầu tư chăn nuôi con Nhím để phát triển kinh tế. Đến nay, đàn Nhím đã phát triển với số lượng lớn và chuyên xuất bán Nhím giống, Nhím thương phẩm ra thị trường, qua đó gia đình chị đã có nguồn thu nhập ổn định, đảm bảo cho cuộc sống của gia đình. Từ nguồn thu nhập đó, gia đình chị Xuyền có thêm điều kiện đầu tư chăm sóc vườn cà phê xen cây ăn trái. Chị Lê Thị Xuyền cho biết thêm: “ trước đây thu nhập chính của gia đình chị phụ thuộc vào 8 sào cà phê, nên điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo của xã. Năm 2020 qua nghe đài, chị được biết một số hộ ở tỉnh Đồng Nai giàu lên từ mô hình nuôi nhím. Vì vậy vợ chồng chị đã mạnh dạn đến tận nơi để tham khảo và học hỏi kinh nghiệm. Sau khi tìm hiểu kỹ về kỷ thuật chăn nuôi nhím, chị Xuyền bàn với chồng vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện để đầu tư xây dựng chuồng trại và con giống về nuôi. Ban đầu chị mua 5 cặp nhím giống với trị giá 15 triệu đồng và đầu tư 35 triệu đồng để xây dựng chuồng trại. Sau 1 năm đàn nhím trưởng thành và sinh sản, lứa đầu tiên gia đình chị giữ lại nuôi để nhân giống. Đến nay, sau 3 năm mô hình nuôi nhím của gia đình chị đã phát triển lên 25 cặp nhím bố mẹ sinh sản. Từ bán nhím giống mỗi năm gia đình chị Xuyền có thu nhập từ 50 đến 70 triệu đồng.
Không chỉ riêng gia đình anh K’thiện, chị Lê Thị Xuyền mà nhiều gia đình trên địa bàn huyện Bảo Lâm đã và đang được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách. Từ nguồn vốn vay, các hộ gia đình ở đây đã đầu tư thêm trang thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất, duy trì và phát triển kinh tế, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời tạo việc làm cho nhiều lao động và góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Theo Phòng giao dịch NHCSXH huyện Bảo Lâm, nhằm giúp các hộ có hoàn cảnh khó khăn vay vốn sản xuất, Ngân hàng đã chủ động phối hợp với 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, các ban, ngành có liên quan và UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện chương trình tín dụng chính sách ưu đãi trên địa bàn. Tính đến ngày 30/12/2023 tổng dư nợ các chính sách tính dụng đạt 597,7 tỷ đồng cho trên 10 ngàn khách hàng vay vốn, tăng 87,5 tỷ đồng so với năm trước. Tăng trưởng tín dụng tập trung tại các chương trình như: cho vay giải quyết việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay hộ mới thoát nghèo, vay học sinh sinh viên…. Bên cạnh đó, NHCSXH huyện đã thường xuyên bám sát địa bàn, phối hợp cùng các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác và chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền về tín dụng ưu đãi kịp thời đến với các đối tượng thụ hưởng chính sách. Đồng thời, tăng cường các giải pháp củng cố, duy trì ổn định hoạt động tại các điểm giao dịch xã, thị trấn; đôn đốc, nhắc nhở hội, đoàn thể nhận ủy thác, các tổ tiết kiệm và vay vốn tổ chức họp bình xét, thực hiện cho vay đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho hộ vay kịp thời tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Bà Lê Thu, Tổ trưởng tổ vay vốn Hội LHPN xã Lộc Đức cho biết: để nguồn vốn vay đến với hội viên chúng tôi tăng cường công tác tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ nguồn vốn của Nhà nước, sau khi hội viên đã được vay vốn chúng tôi thực hiện công tác giám sát nguồn vốn, tránh tình trạng sử dụng nguồn vốn sai mục đích, bên cạnh đó Hội LHPN xã thường xuyên phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên phụ nữ, từ đó hội viên phụ nữ mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực và bảo đảm an sinh xã hội, ổn định an ninh - chính trị, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024, trong những ngày qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bảo Lâm phối hợp với Hội Cựu chiến binh huyện tổ chức thăm và tặng quà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình chính sách tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Đơn vị trao 10 phần quà, mỗi phần trị giá 500 ngàn đồng cho các gia đình hội viên CCB có hoàn cảnh khó khăn cùng lời động viên, chúc mừng các gia đình đón một mùa Xuân vui vẻ, hạnh phúc. Trước đó, trong lễ ra quân thực hiện chương trình công tác dân vận tập trung tại Tổ 15, thị trấn Lộc Thắng do Ban chỉ đạo 502 của huyện phát động, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bảo Lâm cũng đã tặng 5 suất quà tết cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình chính sách trên địa bàn. Ngoài ra, trong chương trình “Tết nhân ái” do UBMTTQVN huyện Bảo Lâm phát động, đơn vị cũng ủng hộ 10 triệu đồng để chung tay chăm lo tết cho người nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn huyện. Toàn bộ kinh phí tặng quà cho bà con do cán bộ, nhân viên, người lao động của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đóng góp tự nguyện.
Được biết, Chương trình quà tặng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ gia đình chính sách là hoạt động thường niên được Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bảo Lâm tổ chức vào mỗi dịp cận Tết Nguyên đán, nhằm giúp đỡ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn đón Tết thêm phần ấm áp, đủ đầy và hạnh phúc. Thông qua chương trình, các cán bộ, nhân viên và người lao động trong đơn vị mong muốn lan tỏa tình yêu thương, sự sẻ chia, giúp đỡ với cộng đồng, giảm bớt gánh nặng trong cuộc sống của những gia đình khó khăn và góp thêm nụ cười, không khí vui tươi trong mùa xuân mới, không để ai bị bỏ lại phía sau, không để ai không có Tết.
Ông Phạm Tiến Ngọc- Phó giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Bảo Lâm cho biết “Thời gian tới, ngân hàng sẽ tiếp tục bám sát các chính sách của Chính phủ, định hướng hoạt động của ngành và các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của địa phương đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, chương trình mục tiêu giảm nghèo, việc làm, an sinh xã hội. Tập trung cho vay, thu nợ, đầu tư cho vay đúng đối tượng, tập trung cho các hộ nghèo thiếu vốn SXKD đặc biệt là những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, tập trung vốn cho vay các vùng nghèo thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh của từng xã tạo nhiều việc làm mới cho người lao động”.
Có thể nói, sự đồng hành của Ngân hàng chính sách xã hội đối với hộ nghèo ở huyện Bảo Lâm trên hành trình xóa đói, giảm nghèo đã tiếp thêm sức mạnh, mở ra cơ hội, điều kiện cho người nghèo phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Việc tổ chức hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, hoạt động của NHCSXH đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu về giảm nghèo nhanh và bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới tại Bảo Lâm trong thời gian tới.
Quỳnh Trang
Lượt xem: 284
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 001444994
  •  Đang online: 409
  •  Trong tuần: 28.620
  •  Trong tháng: 90.597
  •  Trong năm: 876.462