Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập huyện Bảo Lâm (11/7/1994 -11/7/2024)! Cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc quyết tâm xây dựng Bảo Lâm phát triển nhanh và bền vững!
Bảo Lâm phát huy tối đa các tiềm năng trong phát triển kinh tế In trang
24/10/2024 09:33 SA

 

Điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, cùng lịch sử hình thành và nền văn hóa đa dạng đã tạo cho Bảo Lâm một tiềm năng lớn để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển cây công nghiệp, công nghiệp khai khoáng và thủy điện...

Với lợi thế đất đai, nguồn nước và khí hậu, Bảo Lâm rất phù hợp để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô hàng hóa với các loại cây trồng chủ lực: chè, cà phê, sầu riêng, bơ, mắc ca và các loại cây ăn quả khác. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm cho biết, giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp theo giá so sánh 2010 (giai đoạn 1994 - 2025) tính đến thời điểm hiện tại của Bảo Lâm tăng 9,42%. Bảo Lâm hiện có trên 9.000 ha đất nông nghiệp sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Bảo Lâm cũng đã xây dựng được 18 chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất nông nghiệp, 30 sản phẩm được cấp chứng chỉ OCOP. Trong đó, 1 sản phẩm đạt Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam. Giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất canh tác của Bảo Lâm đạt 152 triệu đồng/năm.

Diện mạo huyện Bảo Lâm càng ngày càng khởi sắc
Diện mạo huyện Bảo Lâm càng ngày càng khởi sắc

Bên cạnh đó, Bảo Lâm còn khai thác hiệu quả thế mạnh về tài nguyên khoáng sản, đẩy mạnh phát triển công nghiệp khai khoáng. Theo báo cáo của Công ty Nhôm Lâm Đồng, việc sản xuất alumin của nhà máy ổn định, luôn đạt và vượt các chỉ tiêu sản xuất. Công suất bình quân của nhà máy sản xuất alumin đạt trên 700.000 tấn/năm. Tiềm năng về thủy điện cũng được Bảo Lâm khai thác hiệu quả, đóng góp lớn cho ngân sách địa phương, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động của địa phương. Các Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 3, Đồng Nai 4, Đồng Nai 5 hoạt động hiệu quả, sản lượng điện sản xuất bình quân mỗi năm đạt trên 720 triệu kW.

Mạng lưới giao thông là một lợi thế nữa của Bảo Lâm với Quốc lộ 20, Quốc lộ 55 ngang qua. Từ trung tâm Bảo Lâm đi TP Hồ Chí Minh chỉ khoảng 200 km, đi Đà Lạt 127 km. Trên địa bàn huyện Bảo Lâm còn có Tỉnh lộ 725 kết nối địa phương với huyện Lâm Hà - Di Linh và huyện Đạ Tẻh. Dự án đường Cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương đi ngang qua Bảo Lâm sẽ triển khai trong thời gian tới là cơ hội để địa phương thu hút các nhà đầu tư đến đầu tư, phát triển các loại hình du lịch, thương mại và dịch vụ.

Tuy nhiên, ông Trương Hoài Minh - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, cho rằng, vẫn còn một số tiềm năng, thế mạnh chưa được tận dụng, phát huy tối đa để phát triển kinh tế - xã hội. Đó là sự đa dạng trong văn hóa của các dân tộc thiểu số, tài nguyên rừng, sự đa dạng của các nông sản, tài nguyên về thắng cảnh, địa danh văn hóa và lịch sử để phát triển du lịch... Do vậy, thời gian tới, Bảo Lâm tiếp tục phát huy tối đa các tiềm năng, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của tỉnh Lâm Đồng, cùng các sở, ngành, sự đồng hành của các doanh nghiệp và Nhân dân huyện Bảo Lâm để phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm mà Bảo Lâm đặt ra đạt từ 7 - 8%. Bảo Lâm xác định, phát triển nông - lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ, đặt cạnh phát triển công nghiệp chế biến là động lực, phát triển du lịch là đột phá. Bảo Lâm tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và thương mại, dịch vụ. Cụ thể, Bảo Lâm phấn đấu đến năm 2030 xây dựng thành công thương hiệu Cà phê Bảo Lâm, Sầu riêng Bảo Lâm và Bơ Bảo Lâm. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu nông sản chế biến, chế biến sâu của Bảo Lâm đạt từ 20% trở lên. Phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng đa dạng hóa các hoạt động sản xuất dưới tán rừng, tạo việc làm, tăng nguồn thu, nâng cao đời sống của người làm nghề rừng, từ đó chú trọng công tác bảo vệ và phát triển rừng cũng là mục tiêu hướng đến của Bảo Lâm.

Thời gian tới, Bảo Lâm tiếp tục kêu gọi đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng Cụm công nghiệp Lộc Thắng và Cụm công nghiệp Lộc An, thu hút đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Bảo Lâm tại khu vực đất hoàn nguyên sau khai thác bauxite rộng 700 ha, cũng như tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để duy trì phát triển ổn định, bền vững các Dự án Thủy điện Đồng Nai 3, Đồng Nai 4, Đồng Nai 5, Đam B’ri và đẩy mạnh phát triển thương mại, phát triển các loại hình du lịch văn hóa, dã ngoại...

Lamdong online

Lượt xem: 125
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 001589907
  •  Đang online: 144
  •  Trong tuần: 3.755
  •  Trong tháng: 60.375
  •  Trong năm: 60.375