Sáng ngày 10/9, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Đề án cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét; xây dựng bản đồ sạt lở và đưa ra các giải pháp phòng, chống, xử lý sạt trượt trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Trần Hồng Thái – Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự có đồng chí Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các sở, ngành liên quan của tỉnh. Tham dự tại điểm cầu huyện Bảo Lâm có đồng chí Trịnh Văn Thảo – Phó Chủ tịch UBND huyện, lãnh đạo các ban, ngành địa phương.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Bảo Lâm
Tại hội nghị, đồng chí Trần Hồng Thái – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh Đề án cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét và xây dựng bản đồ sạt lở là một bước đi quan trọng nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai, chủ động ứng phó và tăng cường năng lực phòng, chống sạt trượt trên địa bàn tỉnh. Đề án sẽ tập trung vào việc phát triển hệ thống cảnh báo sớm hiện đại, tích hợp công nghệ thông tin và dữ liệu địa lý để cập nhật tình hình sạt lở theo thời gian thực, giúp các địa phương có biện pháp ứng phó kịp thời. Các giải pháp phòng, chống và xử lý sạt trượt được đề xuất bao gồm: củng cố và xây dựng mới các công trình phòng chống sạt lở, lập các vùng cấm xây dựng tại khu vực nguy hiểm và di dời các hộ dân khỏi khu vực có nguy cơ cao. Đồng thời, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về nguy cơ và biện pháp phòng tránh sạt lở, lũ quét cũng đặc biệt coi trọng.
Trong những năm gần đây, tình trạng sạt lở đất và lũ quét trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có xu hướng gia tăng về tần suất và mức độ nguy hiểm, gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản và cơ sở hạ tầng. Các hiện tượng này thường xảy ra bất ngờ, khó dự báo chính xác và nhanh chóng. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm và bản đồ sạt lở trở thành nhiệm vụ cấp thiết để bảo vệ an toàn cho người dân và đảm bảo sự phát triển bền vững của tỉnh nhà.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trần Hồng Thái – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương cần khẩn trương triển khai Đề án một cách nghiêm túc, đồng bộ và hiệu quả. Đặc biệt, các địa phương cần xác định rõ trách nhiệm, tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin để xây dựng một hệ thống cảnh báo sớm, đáp ứng tốt nhất yêu cầu phòng, chống thiên tai; đảm bảo tính mạng và tài sản của người dân, góp phần xây dựng tỉnh Lâm Đồng an toàn, phát triển bền vững trước thách thức của biến đổi khí hậu và thiên tai.
LÊ THOA