Kỷ niệm 49 năm giải phóng Lâm Đồng - Đà Lạt (03/4/1975-03/4/2024); Giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10 tháng 3 âm lịch); Ngày sinh Lê-nin (22/4/1870-22/4/2024); 49 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024); Ngày Quốc tế Lao động (1/5); Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2024) Kỷ niệm 49 năm giải phóng Lâm Đồng - Đà Lạt (03/4/1975-03/4/2024); Giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10 tháng 3 âm lịch); Ngày sinh Lê-nin (22/4/1870-22/4/2024); 49 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024); Ngày Quốc tế Lao động (1/5); Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2024)
Đồng lòng xây dựng quê hương In trang
22/07/2019 12:00 SA

CHÀO MỪNG HỘI NGHỊ TỔNG KẾT 10 NĂM THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI HUYỆN BẢO LÂM, GIAI ĐOẠN 2010 - 2020

Ở các vị trí công việc khác nhau nhưng họ đều trăn trở để có những hướng đi mới, hiệu quả nhằm phát triển quê hương Bảo Lâm.

Bà Lục Thị Kim - Bí thư Chi bộ Thôn 12, xã Lộc Ngãi
Bà Lục Thị Kim - Bí thư Chi bộ Thôn 12, xã Lộc Ngãi: Có hôm chúng tôi sinh hoạt Đảng đến 2 giờ sáng
 
Theo bà Lục Thị Kim, Chi bộ Thôn 12 hiện có 10 đảng viên; trong đó, có 1 đảng viên 55 tuổi Đảng và 2 đảng viên 30 tuổi Đảng. Thôn 12 là nơi sinh sống, làm ăn của 187 hộ, với 801 khẩu. Trong đó, 80 hộ người Tày, 74 hộ người Nùng, 30 hộ người Kinh và 3 hộ người Hoa. “Năm 2017, Thôn 12 được Đảng ủy xã Lộc Ngãi chọn làm điểm mô hình giảm nghèo bền vững, cũng là thực hiện tiêu chí số 10 về thu nhập và tiêu chí số 11 về giảm nghèo của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, Chi bộ lãnh đạo Ban Nhân dân thôn chủ động phối kết hợp với Ban Công tác Mặt trận và các hội đoàn thể tổ chức quán triệt xây dựng mô hình thiết thực này cho người dân. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy cùng sự hợp sức của người dân nên công tác giảm nghèo đã mang lại kết quả khả quan. Đầu năm 2018, Thôn 12 “xóa” xong 4 hộ nghèo. Tiếp đến, cuối năm 2018, 6 hộ cận nghèo cũng được “xóa”. Hiện, Thôn 12 có 169 căn nhà xây kiên cố, 2 chiếc ô tô tải, 4 chiếc ô tô con, 60 chiếc xe máy cày, 2 chiếc xe máy múc, 561 chiếc xe máy... Thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 37 triệu đồng/năm”, bà Kim cho biết.
 
 Theo bà Kim, có được kết quả ấn tượng như vậy, là bởi Chi bộ, Ban Nhân dân, Ban Công tác Mặt trận Thôn 12 luôn coi đây là một quá trình phấn đấu lâu dài, cần có sự chung tay, vào cuộc của cả cộng đồng. Từ đó, Thôn 12 đã xây dựng các mô hình giúp nhau phát triển kinh tế, với hình thức đổi công sản xuất, hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở luân phiên, vay phân bón và vật liệu xây dựng không tính lãi... để người nghèo, cận nghèo có thêm điều kiện thoát nghèo. 
 
“Trong thôn hiện có 1 câu lạc bộ hát Then đàn Tính với 35 thành viên, 1 câu lạc bộ dưỡng sinh với 15 thành viên. Bên cạnh đó, Thôn 12 còn có 8 đội bóng chuyền”, Bí thư chi bộ Lục Thị Kim cho biết thêm 
 
 “Chi bộ Thôn 12 xác định: phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm. Vì vậy, chúng tôi tạo mọi điều kiện tối đa cho người dân lao động, tăng thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên, không vì thế mà bê trễ việc học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Ban ngày, người dân bận lao động thì chúng tôi chuyển sang sinh hoạt Đảng vào ban đêm. Thành thử, có hôm sinh hoạt chi bộ kéo đến 2 giờ sáng mới xong”, bà Kim trao đổi.
 
 Theo bà Kim, trong nhiệm kỳ 2017 - 2020, chỉ tiêu phát triển đảng viên mới theo nghị quyết của chi bộ là 2 đảng viên mới nhưng đến nay Chi bộ Thôn 12 đã phát triển được 5 đảng viên mới. Đây là tiền đề, cơ sở để củng cố, nâng cao sức mạnh của tổ chức đảng, lãnh đạo người dân trong thôn thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ tại địa phương.

Ông Phan Hữu Trung - Thôn 6, xã Lộc Thành
Ông Phan Hữu Trung - Thôn 6, xã Lộc Thành: Người tiên phong hiến đất làm đường
 
Trước đây, ông Phan Hữu Trung từng là giáo viên Trường TH Nguyễn Khuyến, sau đó chuyển về Trường THCS cấp 1, 2 Vừ A Dính (xã Lộc Thành, Bảo Lâm)... rồi nghỉ hưu. 
 
Năm 2012, thực hiện chủ trương mở tuyến đường liên thôn nối liền từ Thôn 5 đến Thôn 7 theo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, với hình thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm (Nhà nước hỗ trợ 70%, Nhân dân góp 30%), gia đình ông Phan Hữu Trung đã hiến 2.000 m2 (2 sào) đất sản xuất để làm đường liên thôn. Không chỉ tiên phong hiến đất, ông Trung còn phối hợp với ông Hoàng Ngọc Huệ (nguyên là Trưởng Thôn 7) vận động bà con và các hộ xâm canh cùng nhau hiến đất, đóng góp kinh phí cùng với nguồn vốn đối ứng của Nhà nước để làm đường. 
 
Ông Phan Hữu Trung cho biết: “Chứng kiến việc sinh hoạt đi lại, phục vụ sản xuất của người dân gặp rất nhiều khó, vả lại, đây là tuyến đường huyết mạch trong việc lưu thông, nên khi có chủ trương Nhà nước và Nhân dân cùng làm, gia đình tôi đã không ngần ngại hiến diện tích đất, cây trồng đang trong thời kỳ kinh doanh để làm đường”. 
 
Ông Phan Hữu Trung cho biết thêm, hiến đất xây dựng công trình cơ sở hạ tầng nông thôn là việc làm có ý nghĩa thiết thực, mang lại lợi ích cho cộng đồng, xã hội tại địa phương. Vì vậy, cách đây khoảng 10 năm, ông Trung cùng với các đồng nghiệp là ông Bình và ông Thanh (đều là giáo viên) cũng đã hiến khoảng 2.000 m2 đất để xây dựng trường học tại địa phương. 
 
Việc ông Trung hiến đất làm đường giao thông nông thôn đã có tác động tích cực đến ý thức, nhận thức của đại bộ phận Nhân dân và có sức lan tỏa rộng khắp đến với các hộ dân trong vùng. Từ đó, việc tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia hưởng ứng xây dựng NTM tại địa phương đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Cùng với nguồn vốn đối ứng của Nhà nước, từ 1,5 km đường nhựa ban đầu, đến nay bà con đã hiến đất, đóng góp kinh phí, công lao động để nhựa và bê tông hóa các đoạn còn lại có chiều dài khoảng 3 km.
 
“Vợ chồng ông Phan Hữu Trung là tấm gương đi đầu trong việc hiến đất làm đường giao thông nông thôn. Đây là việc làm hết sức ý nghĩa, chẳng những được nhân rộng cho Nhân dân Thôn 7, mà cả bà con trên địa bàn xã. Bên cạnh đó, gia đình nhà giáo nghỉ hưu Phan Hữu Trung cũng gương mẫu thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nhiều hoạt động ở địa phương”, ông Đặng Ngọc Thanh - Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm đánh giá.

Nhà nông Nông Minh Thuyên - Thôn 10, xã Lộc Nam
Nhà nông Nông Minh Thuyên - Thôn 10, xã Lộc Nam: Thu tiền tỷ từ mô hình đa canh
 
Sau khi rời Cao Bằng vào Đồng Nai lập nghiệp, nhưng đời sống gia đình vẫn không khá lên được, năm 1995, ông Nông Minh Thuyên quyết định lên xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm làm kinh tế. Tuy những năm đầu còn gặp nhiều khó khăn, bởi điều kiện đi lại, kiến thức khoa học - kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất... còn nhiều hạn chế nhưng với quyết tâm thoát nghèo và làm giàu chính đáng tại quê hương mới, vợ chồng ông Nông Minh Thuyên chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, vừa khai hoang mở đất trồng bắp, khoai mì để lấy ngắn nuôi dài và phát triển chuyên canh cây chè, cà phê. 
 
Sau khi chia tài sản cho con cái, vợ chồng ông còn lại 4 ha đất sản xuất. Qua nhiều năm canh tác, ông Thuyên nhận thấy tuy kinh tế gia đình đã có bước phát triển ổn định, nhưng do giá cả thị trường của một số mặt hàng nông sản lên xuống thất thường, thiếu tính bền vững, hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao nên ông luôn trăn trở tìm cách làm thế nào để nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích. 
 
Ông Thuyên cho biết: “Qua tìm hiểu, phong trào trồng sầu riêng ở xã Lộc Nam đang phát triển rầm rộ, nên năm 2003, tôi đã tìm mua vài chục cây giống sầu riêng của Công ty Dona về trồng xen. Sầu riêng là loại cây tương đối dễ trồng, khá phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương. Mặt khác, giá cả thị trường sầu riêng cũng khá ổn định, nên tôi tiếp tục mở rộng phát triển loại cây trồng này”. 
 
Nhận thấy được giá trị kinh tế mà cây sầu riêng mang lại, nên ngoài việc chuyển đổi giống, đầu tư thâm canh cây trồng chủ lực là chè và cà phê, nhiều năm nay ông Thuyên đã chú trọng phát triển sản xuất theo mô hình đa canh, đa cây. Đến nay, gia đình ông Thuyên đã trồng trên 200 cây sầu riêng, trong đó có 160 cây đã cho kinh doanh; mạnh dạn đầu tư kinh phí, mở rộng diện tích trồng 200 cây bưởi da xanh và 250 cây bơ. Hiện các loại cây trồng này đang phát triển tốt và ông Thuyên dự tính sang năm sẽ cho thu hoạch. Từ mô hình đa canh, đa cây (chè, cà phê và sầu riêng), bình quân tổng thu nhập hàng năm của gia đình ông Nông Minh thuyên đạt trên dưới 2 tỷ đồng. 
 
Ông Đào Văn Đoàn - Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Nam nhận xét: “Ông Nông Minh Thuyên là người cần cù, sáng tạo và mạnh dạn trong sản xuất. Ông là một trong những tấm gương đi đầu trong việc phát triển mô hình đa canh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, thời gian qua có rất nhiều người dân về đây tham quan, học hỏi. Ông Thuyên rất nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm với bà con trong vùng về kiến thức khoa học - kỹ thuật trồng, chăm sóc sầu riêng. Đây là mô hình được địa phương quan tâm và nhân rộng”.
 
T.ĐỒNG - L.PHƯƠNG - N.BRỪM - baolamdong.vn

Lượt xem: 381
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 000743134
  •  Đang online: 14
  •  Trong tuần: 10.814
  •  Trong tháng: 37.986
  •  Trong năm: 174.602